Nghị định 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

Ngày 10/7/2024 Chính phủ ký ban hành Nghị định 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Trong đó một trong những điểm nhấn được quan tâm nhiều đó là các quy định liên quan đến mua sắm phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên ngân sách nhà nước, một số nội dung này được quy định như sau:

“Điều 51. Quản lý thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước
1. Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên sau đây, sau khi được phân bổ dự toán theo quy định tại khoản 5 Điều này, thực hiện mua sắm và sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan:
a) Mua sắm dự phòng, thay thế các thiết bị phần cứng thuộc hệ thống thông tin hiện có; mua sắm thiết bị không cần lắp đặt; mua sắm phần mềm thương mại (bao gồm cập nhật bản quyền phần mềm thương mại);
b) Gia hạn bảo hành (bảo hành mở rộng); bảo trì, sửa chữa hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm; quản trị, vận hành, thuê quản trị, hỗ trợ kỹ thuật hệ thống thông tin; dịch vụ an toàn thông tin mạng; dịch vụ an ninh mạng;
c) Tạo lập cơ sở dữ liệu; chuẩn hoá, chuyển đổi phục vụ cho nhập dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu; thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu; duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu; bảo đảm hoạt động thường xuyên cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng;
d) Thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường. Giá thuê dịch vụ (tính theo đơn giá của từng dịch vụ sử dụng hoặc đơn giá sản phẩm đầu ra của dịch vụ) được xác định trên cơ sở báo giá của nhà cung cấp, nhà sản xuất dịch vụ tại thời điểm thuê dịch vụ;
đ) Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc thực thi nhiệm vụ giải quyết sự cố theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc yêu cầu nghiệp vụ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật;
e) Các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên không thuộc hoạt động quy định tại khoản 24 Điều 3 Nghị định này.
2. Đối với các hoạt động đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu quy định tại khoản 24 Điều 3 Nghị định này sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi là dự án), sau khi được phân bổ dự toán theo quy định tại khoản 5 Điều này, thực hiện theo quy định tại Điều 51a Nghị định này.
3. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường, sau khi được phân bổ dự toán theo quy định tại khoản 5 Điều này, thực hiện theo quy định tại Điều 52 Nghị định này.
4. Thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 2, 3 Điều này
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương;
b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
5. Trình tự, thủ tục lập dự toán, phân bổ dự toán kinh phí, thanh quyết toán kinh phí thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước về lập dự toán, phân bổ dự toán kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước, pháp luật về thanh toán, quyết toán kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật có liên quan.
6. Việc lựa chọn nhà thầu, thương thảo, ký kết hợp đồng trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại khoản 1,2 và 3 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.”

Khoản 24, Điều 3 quy định:

“24. Đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu là hoạt động tự thực hiện hoặc thuê tổ chức, cá nhân thiết kế, xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng để thiết lập, hình thành hệ thống nhằm mục đích tạo lập, cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin.”

“Điều 51a. Quản lý thực hiện hoạt động đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên
1. Phân loại dự án được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
2. Chủ đầu tư được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định này.
3. Trình tự, thủ tục đầu tư, quản lý chi phí, quản lý chất lượng thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 6, Điều 8a và Mục 2 Chương II Nghị định này, trừ các nội dung sau:
a) Không phải thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 và Điều 12 Nghị định này;
b) Chủ đầu tư xem xét, quyết định thực hiện khảo sát. Trường hợp thực hiện khảo sát, tổ chức thực hiện khảo sát theo quy định tại Chương II Nghị định này;
c) Thẩm quyền quyết định đầu tư, thẩm quyền, trình tự thẩm định dự án theo quy định tại khoản 4 Điều này;
d) Nội dung chính của thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 6 Điều này;
đ) Nội dung chính của thiết kế chi tiết theo quy định tại khoản 7 Điều này.
4. Thẩm quyền quyết định đầu tư, thẩm quyền, trình tự thẩm định dự án
a) Thẩm quyền quyết định đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 51 Nghị định này.
Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cơ quan, đơn vị chuyên môn quản lý về tài chính, ngân sách nhà nước thuộc cấp có thẩm quyền tổ chức thẩm định dự án (sau đây gọi chung là đầu mối tổ chức thẩm định);
b) Đầu mối tổ chức thẩm định dự án có trách nhiệm: gửi hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế chi tiết dự án thực hiện theo hình thức báo cáo kinh tế – kỹ thuật lấy ý kiến hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư lấy ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết của đơn vị có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này (trừ trường hợp chủ đầu tư đồng thời là đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết); lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan để thẩm định dự án (nếu cần thiết).
Đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết quy định tại khoản 5 Điều này có trách nhiệm gửi ý kiến thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết cho đầu mối tổ chức thẩm định dự án để tổng hợp ý kiến khi thực hiện thẩm định dự án.
5. Thẩm quyền thẩm định thiết cơ sở, thiết kế chi tiết (trường hợp thực hiện theo hình thức báo cáo kinh tế – kỹ thuật)
a) Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án quan trọng quốc gia; thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết đối với dự án nhóm A;
b) Đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết đối với dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư, trừ các dự án có thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, trừ các dự án có thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc thuộc thẩm quyền thẩm định quy định tại điểm b khoản này;
d) Trong trường hợp đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết đồng thời là chủ đầu tư, đơn vị thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết thành lập hội đồng thẩm định để thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết hoặc cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư giao cho đơn vị chuyên môn khác thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết.
6. Nội dung chính của thiết kế cơ sở
a) Yêu cầu thiết kế cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định này;
b) Nội dung chính của thiết kế cơ sở theo quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 17 Nghị định này.
7. Nội dung chính của thiết kế chi tiết
a) Yêu cầu thiết kế chi tiết theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Nghị định này;
b) Nội dung chính của thiết kế chi tiết theo quy định tại điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 27 Nghị định này.

Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp:

1. Hiệu lực thi hành

a) Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành;

b) Quy định tại khoản 3 Điều 5a Nghị định này có hiệu lực thi hành khi bộ, cơ quan trung ương công bố danh mục và chức năng, tính năng kỹ thuật cơ bản của phần mềm phổ biến quốc gia, phần mềm phổ biến ngành, chuyên ngành, lĩnh vực;

c) Đối với các quy định yêu cầu tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số hoặc khung kiến trúc số cấp bộ hoặc khung kiến trúc số cấp tỉnh tại Nghị định này, trường hợp tại thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định này mà Chính phủ chưa ban hành quy định về Khung kiến trúc tổng thể quốc gia số thì các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục thực hiện tuân thủ theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh.

2. Quy định chuyển tiếp

Dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì các bước tiếp theo thực hiện theo các quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại thời điểm phê duyệt.

Chi tiết xem và tải file đính kèm phía dưới.

Ngoài ra các quy định quan trọng khác liên quan trực tiếp đến các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên NSNN xem thêm các quy định mới ban hành cuối tháng 10/2024 tại NĐ138 để thực hiện cho đúng và đồng bộ TẠI ĐÂY.

Dauthaumuasam.vn

error: Content is protected !!