Việc quy định về tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư, mua sắm công đã được ban hành từ khá lâu, tuy nhiên việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức trong quá trình triển khai thực hiện lập dự toán, tổ chức mua sắm trong thời gian qua còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời và chưa đúng quy định, do đó mà Luật Đấu thầu mới lần này đã sửa đổi, bổ sung đưa ràng buộc chặt chẽ việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức là điều kiện bắt buộc để xét duyệt trúng thầu đối với việc mua sắm hàng hóa.
Tại khoản 2, Điều 92 “Quy trình thực hiện mua sắm”, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định như sau:
“2. Đối với các hàng hóa thuộc danh mục do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức hoặc quyết định việc phân cấp quy định tiêu chuẩn, định mức thì điều kiện xét duyệt trúng thầu là giá đề nghị trúng thầu của từng hàng hóa đảm bảo không vượt mức giá của từng hàng hóa đó theo tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền ban hành.”
Tại Điều 5, Điều 8, Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị như sau:
Điều 5. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến
1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý được quy định chi tiết tại Phụ lục số I kèm theo Quyết định này.
2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh được quy định chi tiết tại Phụ lục II kèm theo Quyết định này.
3. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện được quy định chi tiết tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này.
4. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp xã được quy định chi tiết tại Phụ lục IV kèm theo Quyết định này.
5. Ngoài máy móc, thiết bị quy định tại các Phụ lục I, II, III và IV ban hành kèm theo Quyết định này, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, đầu tư, mua sắm, điều chuyển, thuê theo quy định của pháp luật quyết định việc trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến cần thiết khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc, nhu cầu sử dụng và khả năng nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Điều 8. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng
1.Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng, trừ máy móc, thiết bị quy định tại khoản 2 Điều này:
a) Máy móc, thiết bị chuyên dùng, trừ máy móc thiết bị quy định tại khoản 2 Điều này là máy móc, thiết bị có yêu cầu về tính năng, dung lượng, cấu hình cao hơn máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến và máy móc, thiết bị khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
b) Bộ, cơ quan trung ương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại, số lượng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng (chủng loại, số lượng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại đơn vị.
2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo:
a) Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Căn cứ quy định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại điểm a khoản này, bộ, cơ quan trung ương ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, ban hành hoặc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo tại đơn vị.
3. Việc ban hành tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được áp dụng đối với máy móc, thiết bị đủ tiêu chuẩn tài sản cố định theo quy định của chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Máy móc, thiết bị chuyên dùng không đủ điều kiện tiêu chuẩn tài sản cố định, cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, đầu tư, mua sắm, điều chuyển, thuê theo quy định của pháp luật quyết định việc trang bị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tính chất công việc, nhu cầu sử dụng và khả năng nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
4. Quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng được công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và được gửi cơ quan Kho bạc nhà nước để thực hiện kiểm soát chi theo quy định của pháp luật.
Như vậy tóm lại:
– Theo các quy định nêu trên thì đối với nhóm các máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến và máy móc, thiết bị chuyên dùng bắt buộc trước khi phê duyệt dự toán, trước khi tổ chức đấu thầu thì các cơ quan, đơn vị phải chắc chắn rằng bộ tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị đã được ban hành để đưa vào áp dụng để làm căn cứ phê duyệt dự toán, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 2, Điều 92, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Đây không hẳn là quy định mới nhưng được đặc biệt nhấn mạnh và đưa vào trong Luật Đấu thầu mới lần này theo tinh thần không có là không làm được. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân làm về công tác đấu thầu cần đặc biệt lưu tâm đừng để khi cần mua sắm trang thiết bị rất cần thiết, cấp bách cho cơ quan đơn vị mình nhưng không triển khai đấu thầu được chỉ do chưa ban hành bộ tiêu chuẩn, định mức theo quy định.
– Đối với các hàng hóa thuộc danh mục do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức hoặc quyết định việc phân cấp quy định tiêu chuẩn, định mức thì điều kiện xét duyệt trúng thầu là giá đề nghị trúng thầu của từng hàng hóa đảm bảo không vượt mức giá của từng hàng hóa đó theo tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền ban hành.
– Các cơ quan, đơn vị nên thường xuyên rà soát tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị đã ban hành, trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh, bổ sung (hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung nếu không thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình) để đảm bảo sao cho phù hợp ở mỗi thời điểm triển khai thực hiện công tác mua sắm, đấu thầu, tránh để xảy ra tình huống như nêu dưới đây.
– Và việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, định mức khi mua sắm chắc chắn cũng sẽ là vấn đề được các cơ quan thanh kiểm tra đặc biệt quan tâm, giúp cho việc chi tiêu NSNN nói chung, mua sắm tài sản nói riêng được tiết kiệm, hiệu quả,…
Một câu hỏi cũng như tình huống sẽ không phải là hiếm gặp trên thực tế được đặt ra kể cả trong trường hợp đã ban hành tiêu chuẩn, định mức rồi là nếu trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất có đơn giá dự thầu một hoặc một số mặt hàng vượt tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền ban hành và giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt thì xử lý như thế nào đây ?
Câu hỏi nêu trên được giải quyết như sau: Theo quy định tại khoản 9, điều 131, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu đối với trường hợp này được xử lý như sau:
“9. Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa theo quy định tại khoản 2 Điều 92 của Nghị định này, trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất có đơn giá dự thầu một hoặc một số mặt hàng vượt tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền ban hành và giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được duyệt thì có thể xem xét, xử lý lần lượt theo các cách như sau:
a) Mời nhà thầu xếp hạng thứ nhất vào đàm phán đối với các mặt hàng có đơn giá dự thầu vượt tiêu chuẩn, định mức mua sắm do cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Cho phép tất cả nhà thầu vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật được chào lại giá dự thầu.”
Dauthaumuasam.vn