Bảo đảm thực hiện hợp đồng là một khái niệm, thủ tục rất quen thuộc, phổ biến và hầu hết các bạn làm công tác đấu thầu, mua sắm đều đã từng nghe đến, hoặc đã từng đi làm, tuy nhiên lại rất ít bạn nắm được các quy định cụ thể, đầy đủ của pháp luật về bảo đảm thực hiện hợp đồng như: Đối tượng nào phải làm Bảo đảm thực hiện hợp đồng ? Bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện bằng cách nào ? Mức giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định là bao nhiêu ? Hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định như thế nào ? Trường hợp nào Bảo đảm thực hiện hợp đồng không hợp lệ ? Gói thầu nào không phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng ? Nhà thầu không được hoàn trả, bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng khi nào ? Không nộp hoặc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng không đúng thời hạn bị xử lý như thế nào ? Khoản thu từ bảo đảm thực hiện hợp đồng được sử dụng như thế nào ? Dauthaumuasam.vn sẽ giúp các bạn hiểu rõ đầy đủ các vấn đề nêu trên một cách có hệ thống và cụ thể các căn cứ quy định mới nhất như sau:
Đối tượng nào phải làm Bảo đảm thực hiện hợp đồng ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 2, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định:
“2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp sau đây:
a) Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
b) Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện hoặc hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng;
c) Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật này.”
Bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện bằng cách nào ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 1, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định:
“1. Nhà thầu phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm thực hiện hợp đồng:
a) Đặt cọc;
b) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
c) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam.”
Trong đó lưu ý hình thức “Đặt cọc” nêu trên sẽ được quy định cụ thể trong E-HSMT, chẳng hạn tại mẫu E-HSMT ban hành theo Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT quy định “Đặt cọc bằng Séc bảo chi đối với bảo đảm thực hiện hợp đồng có giá trị dưới 50 triệu đồng và thời gian có hiệu lực của Séc bảo chi phù hợp với thời gian thực hiện gói thầu”. Kể từ ngày 01/01/2025 Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT mới có hiệu lực thi hành (thay thế Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT) thì nội dung này được sửa đổi, thay thế như sau: “Đặt cọc bằng Séc bảo chi hoặc nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của chủ đầu tư đối với bảo đảm thực hiện hợp đồng có giá trị dưới 50 triệu đồng và thời gian có hiệu lực của Séc bảo chi phù hợp với thời gian thực hiện gói thầu”;
Mức giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định là bao nhiêu ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 4, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định: “4. Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2% đến 10% giá hợp đồng.”
Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản” theo quy định tại điều 131, Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp ở thời điểm nào ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 3, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định: “3. Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng trước hoặc cùng thời điểm hợp đồng có hiệu lực.”
Ngoài ra tại E-HSMT quy định: Bảo đảm thực hiện hợp đồng phải được nộp lên Chủ đầu tư không muộn hơn ngày quy định tại Thư chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng.
Tại thư chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng kèm E-HSMT quy định: “Nếu đến ngày___tháng___năm___(3) mà Nhà thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo các yêu cầu nêu trên thì Nhà thầu sẽ bị loại và không được nhận lại bảo đảm dự thầu”.
Hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định như thế nào ?
Tại khoản 5, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định: “5. Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng trước khi gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.”
Trường hợp nào Bảo đảm thực hiện hợp đồng không hợp lệ ? quy định ở đâu ?
Theo hướng dẫn tại chỉ dẫn nhà thầu của E-HSMT thì Bảo đảm thực hiện hợp đồng được xem là không hợp lệ khi:
– Bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện bằng hình thức không phải một trong các hình thức theo đúng quy định tại khoản 1, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 và chỉ dẫn quy định trong E-HSMT;
– Bảo lãnh bằng hình thức nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam; hoặc nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam nhưng có kèm điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, không theo mẫu quy định.
– Bảo đảm thực hiện hợp đồng có giá trị và hiệu lực không đúng quy định.
Gói thầu nào không phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 2, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định:
“2. Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ các trường hợp sau đây:
a) Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn;
b) Nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện hoặc hình thức tham gia thực hiện của cộng đồng;
c) Nhà thầu thực hiện gói thầu có giá gói thầu thuộc hạn mức chỉ định thầu quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 của Luật này.”
Nhà thầu không được hoàn trả/bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng khi nào ?
Tại khoản 6, điều 68, Luật Đấu thầu 2023 quy định:
“6. Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:
a) Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;
b) Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của nhà thầu nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.”
Không nộp hoặc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng không đúng thời hạn bị xử lý như thế nào ? quy định ở đâu ?
– Tại điểm a, khoản 2, điều 35, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không yêu cầu nhà thầu trúng thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định hoặc có bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng không đúng quy định”;
– Ngoài ra tại thư chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng kèm E-HSMT quy định: “Nếu đến ngày___tháng___năm___(3) mà Nhà thầu không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc từ chối hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo các yêu cầu nêu trên thì Nhà thầu sẽ bị loại và không được nhận lại bảo đảm dự thầu”.
Cập nhật theo Luật mới ngày 15/12/2024
===============================================
Dưới đây là nội dung đã chia sẻ trước đó (theo quy định cũ):
Đối tượng nào phải làm Bảo đảm thực hiện hợp đồng ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 2, điều 66, Luật Đấu thầu 2013 quy định: Nhà thầu được lựa chọn phải thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng (bảo lãnh thực hiện hợp đồng) trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực.
Bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện bằng cách nào ? quy định ở đâu ?
Tại chỉ dẫn nhà thầu của E-HSMT ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định: Trước khi ký kết hợp đồng hoặc trước thời điểm hợp đồng có hiệu lực, nhà thầu trúng thầu phải nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam theo quy định tại Mục 5.1 E-ĐKCT Chương VII. Thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng phải sử dụng Mẫu số 18 Phần 4 hoặc một mẫu khác được Chủ đầu tư chấp thuận.
Mức giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định là bao nhiêu ? quy định ở đâu ?
– Tại khoản 3, điều 66, Luật Đấu thầu 2013 quy định: Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 2% đến 10% giá trúng thầu.
– Tại điểm c, khoản 9, điều 117, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá trúng thầu và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.
– Riêng đối với gói thầu quy mô nhỏ (gói thầu quy mô nhỏ là gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng): Tại khoản 3, điều 64, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: Giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng từ 2% đến 3% giá hợp đồng.
Hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng được quy định như thế nào ?
Tại khoản 4, điều 66, Luật Đấu thầu 2013 quy định: Thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc ngày chuyển sang thực hiện nghĩa vụ bảo hành đối với trường hợp có quy định về bảo hành. Trường hợp cần gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng, phải yêu cầu nhà thầu gia hạn tương ứng thời gian có hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Trường hợp nào Bảo đảm thực hiện hợp đồng không hợp lệ ? quy định ở đâu ?
Theo hướng dẫn tại chỉ dẫn nhà thầu của E-HSMT ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT thì Bảo đảm thực hiện hợp đồng được xem là không hợp lệ khi:
– Bảo đảm thực hiện hợp đồng được thực hiện bằng hình thức không phải thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam (ví dụ bằng hình thức tiền đặc cọc; ký quỹ,…);
– Là bảo lãnh của Ngân hàng nhưng có kèm điều kiện gây bất lợi cho Chủ đầu tư, không theo mẫu quy định;
– Bảo đảm thực hiện hợp đồng có giá trị và hiệu lực không đúng quy định.
Gói thầu nào không phải nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng ? quy định ở đâu ?
Tại khoản 1, điều 66, Luật Đấu thầu 2013 quy định: Bảo đảm thực hiện hợp đồng được áp dụng đối với nhà thầu được lựa chọn, trừ nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nhà thầu được lựa chọn theo hình thức tự thực hiện và tham gia thực hiện của cộng đồng.
Nhà thầu không được hoàn trả/bị tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng khi nào ?
Tại khoản 5, điều 66, Luật Đấu thầu 2013 quy định: Nhà thầu không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng trong trường hợp sau đây:
– Từ chối thực hiện hợp đồng khi hợp đồng đã có hiệu lực;
– Vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng;
– Thực hiện hợp đồng chậm tiến độ do lỗi của mình nhưng từ chối gia hạn hiệu lực của bảo đảm thực hiện hợp đồng.
Không nộp hoặc nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng không đúng thời hạn bị xử lý như thế nào ? quy định ở đâu ?
– Tại điểm a, khoản 2, điều 35, Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không yêu cầu nhà thầu trúng thầu nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định hoặc có bảo đảm thực hiện hợp đồng nhưng không đúng quy định”;
– Tại chỉ dẫn nhà thầu quy định trong E-HSMT ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định: Trường hợp nhà thầu trúng thầu không hoàn thiện, ký kết hợp đồng hoặc không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận E-HSDT và trao hợp đồng thì nhà thầu sẽ bị loại và không được hoàn trả giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại điểm b Mục 18.5 E-CDNT. Thời hạn nêu trong thông báo chấp thuận E-HSDT được tính kể từ ngày bên mời thầu gửi thông báo chấp thuận này cho nhà thầu trúng thầu trên Hệ thống.
Khoản thu từ bảo đảm thực hiện hợp đồng được sử dụng như thế nào ? quy định ở đâu ?
Tại Điều 36, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định: Trường hợp nhà thầu vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến không được hoàn trả bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 8 Điều 11 và khoản 5 Điều 66 của Luật Đấu thầu thì việc sử dụng khoản thu từ bảo đảm thực hiện hợp đồng không được hoàn trả được thực hiện như sau:
– Đối với các dự án, gói thầu có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khoản thu này được nộp vào Ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
– Đối với các dự án, gói thầu không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khoản thu này được sử dụng theo quy chế tài chính của chủ đầu tư.
– Trường hợp bên mời thầu là đơn vị tư vấn được thuê thì khoản thu này phải nộp lại cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư sử dụng khoản thu này theo quy định tương ứng tại khoản 1 và khoản 2 Điều này (như nêu trên).
Tham khảo thêm các bài viết liên quan khác dưới đây:
– Mẫu bảo lãnh ngân hàng các loại mới nhất theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT.
Lời khuyên hữu ích khác:
– Nhấn “like” và tham gia “theo dõi” fanpage theo đường link sau trên facebook để được thông báo cập nhật ngay lập tức các bài viết chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/profile.php?id=100090478479853
– Nhấn tham gia nhóm “Đấu thầu mua sắm” trên facebook theo đường link sau để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, trao đổi, thảo luận các vấn đề mong muốn một cách kịp thời nhất: https://www.facebook.com/groups/559578899463767
Tác giả: Dauthaumuasam.vn
Xin hỏi số tiền bảo lãnh hợp đồng dưới 10 triệu có thể nộp bảo lãnh hợp đồng bằng tiền mặt được không ạ
Trong bài viết đã nêu rõ rồi mà bạn, bạn cần phân biệt bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng là khác nhau.