Nội dung tình huống:
Đơn vị bà Trần Thị Việt Nga (Đà Nẵng) có 1 gói thầu tư vấn, được phê duyệt tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước, giá gói thầu được duyệt là 8,2 tỷ đồng, hình thức hợp đồng trọn gói.
Hồ sơ mời thầu được lập theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2015/TT-BKHĐT ngày 14/2/2015, được phê duyệt, phát hành tới các nhà thầu và tổ chức đấu thầu đúng quy định về đấu thầu.
Sau khi tiến hành đánh giá các hồ sơ dự thầu, thì chỉ có 1 nhà thầu (nhà thầu A) đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và được đánh giá tài chính. Tuy nhiên, nhà thầu A có giá dự thầu là 8,4 tỷ đồng (lớn hơn giá gói thầu được duyệt là 8,2 tỷ đồng).
Theo quy định về xử lý tình huống trong đấu thầu tại Điểm a, Khoản 8, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ: Trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt thì có thể xem xét xử lý theo cách sau đây: “Cho phép các nhà thầu này được chào lại giá dự thầu nếu giá gói thầu đã bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí thực hiện gói thầu”.
Bà Nga hỏi, trường hợp chỉ có một nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và chào giá vượt giá gói thầu thì có được áp dụng Điểm a, Khoản 8, Điều 117 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP nêu trên không ?
Xử lý, giải đáp tình huống:
Tại khoản 8, Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý tình huống trong trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt.
Theo đó, đối với gói thầu tư vấn, trường hợp chỉ có một nhà thầu nằm trong danh sách xếp hạng và giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) vượt giá gói thầu đã duyệt thì chủ đầu tư xử lý tình huống theo quy định nêu trên.
Đó là nội dung trả lời trên Baochinhphu.vn, xin trích dẫn lại để các bạn tham khảo.
Tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi cho rằng đối với tình huống mà chỉ có duy nhất 01 nhà thầu vượt qua đánh giá kỹ thuật và có giá chào vượt giá gói thầu thì chưa thực sự hoàn toàn bám sát tình huống hướng dẫn trong Nghị định để Bên mời thầu, Chủ đầu tư có thể thực sự yên tâm áp dụng đặc biệt liên quan đến trách nhiệm giải trình của Chủ đầu tư, Bên mời thầu sau này. Trên cơ sở đó chúng tôi đưa ra một số ý kiến thêm để các bạn tham khảo, có thêm góc nhìn khác để xem xét, cân nhắc cho việc ra quyết định của mình, cũng như có sự chuẩn bị đầy đủ, toàn diện cho cơ sở, căn cứ, lý lẽ giải trình của mình sau này như sau:
Trong tình huống trên chỉ có duy nhất 01 nhà thầu vượt qua đánh giá kỹ thuật và có giá chào vượt giá gói thầu, trong khi nội dung quy định trích dẫn nêu trên nhấn mạnh đến mấy chữ như “tất cả các nhà thầu”, “đều” (…của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và nằm trong danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt …), nên tình huống cụ thể trên nếu áp dụng xử lý tình huống theo hướng dẫn quy định tại điểm a, khoản 8, điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP theo góc nhìn cá nhân của chúng tôi thì chưa thực sự sát và phù hợp nhất với tinh thần, nội dung, câu chữ của quy định hướng dẫn, bên cạnh đó chúng tôi xin đưa ra thêm 01 ví dụ cụ thể hơn về số liệu trong tình huống ở trên để thấy thêm góc nhìn khác cần thiết nên lưu tâm thêm, gắn với trách nhiệm giải trình của các bên liên quan:
Vẫn là tình huống trên nhưng xin đưa ra số liệu cụ thể và 02 phương án áp dụng khác nhau cho tình huống này, chẳng hạn: Có 03 nhà thầu tham dự, trong đó 01 nhà thầu không vượt qua đánh giá năng lực kinh nghiệm và 01 nhà thầu không vượt qua đánh giá kỹ thuật (nhưng trên thực tế cả 2 nhà thầu này đều có giá chào thấp hơn giá gói thầu cụ thể lần lượt là 7,8 tỷ và 8,0 tỷ đồng, trong đó nhà thầu chào 7,8 tỷ đồng do lỗi sơ suất không đáng có trong việc làm hồ sơ dự thầu nên bị loại ngay ở bước đánh giá tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm mặc dù trên thực tế họ vẫn đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu), chỉ có 01 nhà thầu duy nhất vượt qua kỹ thuật và có giá chào 8,4 tỷ đồng, trong khi Chủ đầu tư quyết định áp dụng xử lý tình huống theo hướng dẫn ở trên tức cho phép nhà thầu này được chào lại giá, nhà thầu này chào lại giá là 8,19 tỷ đồng < giá gói thầu là 8,2 tỷ đồng và được xét trúng thầu (tạm gọi là áp dụng theo phương án 1). Cũng trường hợp gói thầu này, Chủ đầu tư, Bên mời thầu không áp dụng xử lý tình huống theo phương án 1 ở trên mà tiến hành đấu thầu lại do họ nhận thấy không hoàn toàn phù hợp để áp dụng xử lý tình huống theo phương án hướng dẫn ở trên, khi đó nhà thầu chào giá thấp nhất (7,8 tỷ đồng) vẫn tham gia lại và do khắc phục rút kinh nghiệm cho lỗi sơ suất không đáng có ở lần tham dự đầu nên họ vượt qua kỹ thuật và có giá chào thấp nhất và trúng thầu, như vậy nếu áp dụng xử lý theo phương án 2 này rõ ràng tiết kiệm cho NSNN 319 triệu đồng, như vậy trách nhiệm giải trình về góc độ “tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, phù hợp” ở đây đối với Chủ đầu tư, Bên mời thầu nếu quyết định áp dụng xử lý tình huống theo phương án 1 là việc hoàn toàn cần lưu tâm và tính đến…!!!
Đó cũng chỉ là 1 góc nhìn riêng, vì vậy để yên tâm nhất có thể và đặc biệt là trách nhiệm giải trình được tính đến và có căn cứ thuyết phục nhất chúng tôi cho rằng các bạn cần thật thận trọng, cân nhắc thật kỹ và cần phải xem xét một cách tổng thể, có góc nhìn toàn diện bức tranh đấu thầu đối với trường hợp cụ thể của các bạn để quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu sao cho có cơ sở nhất, thuyết phục nhất và có sẵn phương án giải trình cho việc xử lý tình huống của mình.
Dauthaumuasam.vn