Trong quá trình triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng các nhu cầu phát triển của các cơ quan, đơn vị, hầu hết các cơ quan, đơn vị đều phải sử dụng đến dịch vụ công nghệ thông tin, trong khi dịch vụ công nghệ thông tin được chia thành các loại khác nhau như dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường và dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường, mỗi loại sẽ có thủ tục thực hiện mua sắm khác nhau theo quy định mà các cơ quan, đơn vị phải nắm để triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Vậy làm thế nào để phân biệt được sự khác nhau giữa 2 loại dịch vụ này ? và mỗi loại sẽ có quy trình thủ tục mua sắm/thuê khác nhau cụ thể ra làm sao ? chúng ta cùng đọc bài viết dưới đây để nắm rõ nhe.
I. Về khái niệm và sự khác nhau giữa dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường và dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường:
Theo quy định tại khoản 3, điều 3, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định: Dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường là dịch vụ công nghệ thông tin được cung cấp ngay khi có nhu cầu mà không phải thông qua đặt hàng để thiết kế, gia công, chế tạo, sản xuất; đã được công khai về giá, mô tả chức năng, tính năng kỹ thuật, công nghệ trên cổng/trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân hoặc thông qua phương tiện khác được nhiều người tiếp cận.
Tại khoản 4, điều 3, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định: Dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường là dịch vụ được thiết lập theo các yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị. Theo đó, cơ quan, đơn vị thuê tổ chức, cá nhân thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị; sau khi hoàn thành hệ thống hoặc hạng mục của hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức, cá nhân đó tổ chức quản trị, vận hành để cung cấp dịch vụ cho cơ quan, đơn vị thuê hoặc bàn giao cho cơ quan, đơn vị thuê tự tổ chức quản trị, vận hành trong một thời hạn nhất định.
Lưu ý: Đối với một số trường hợp gặp khó khăn trong việc xác định dịch vụ là sẵn có hay chưa sẵn có trên thị trường thì các đơn vị nên đưa vấn đề này ra để đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên thị trường trả lời, làm rõ thông qua việc mô tả, đề nghị vào trong bản yêu cầu báo giá dịch vụ khi xây dựng dự toán để làm căn cứ tham khảo thêm.
II. Về Quy trình thủ tục các bước chính để thực hiện mua sắm/thuê dịch vụ công nghệ thông tin:
Theo quy định tại điều 52, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP:
1. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẵn có trên thị trường, thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị (tức là áp dụng quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp). Giá thuê dịch vụ (tính theo đơn giá của từng dịch vụ sử dụng hoặc đơn giá sản phẩm đầu ra của dịch vụ) được xác định trên cơ sở giá thị trường tại thời điểm thuê dịch vụ.
Một kinh nghiệm thực tiễn là nếu bám theo khái niệm quy định tại khoản 3, điều 3, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP như nêu ở phần I trên thì đôi khi rất khó để xác định được là dịch vụ sẵn có nên để rõ và chắc chắn hơn, các bạn nên yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT trên thị trường khẳng định, xác nhận xem dịch vụ này là sẵn có hay không sẵn có trong báo giá khi xây dựng dự toán để làm căn cứ thực hiện các quy trình thủ tục theo sao cho đảm bảo phù hợp tương ứng.
Trường hợp người có thẩm quyền quyết định thuê dịch vụ yêu cầu phải lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, việc lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.
2. Đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường (sau đây gọi là dịch vụ theo yêu cầu riêng), thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, gồm các bước chính sau:
– Lập kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
– Thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.
– Kiểm thử, vận hành thử (có thể tự kiểm thử hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực kinh nghiệm phù hợp để thực hiện).
Chi tiết từng bước, công việc nhỏ thực hiện theo quy định tại các Điều 53, 54, 55, 56, 57, 58 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.
3. Trường hợp dịch vụ công nghệ thông tin chưa sẵn có trên thị trường, nếu cần thiết, cơ quan, đơn vị thuê dịch vụ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền để lựa chọn các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đề xuất giải pháp, phương án kỹ thuật, công nghệ; xây dựng, thử nghiệm dịch vụ. Các tổ chức, cá nhân nói trên chịu mọi chi phí phát sinh (nếu có). Sau khi thử nghiệm thành công, xác định được giải pháp kỹ thuật, công nghệ, chi phí, cơ quan, đơn vị thuê dịch vụ tiến hành các thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định.
4. Quy trình lập dự toán, phân bổ dự toán kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Việc lựa chọn nhà cung cấp trong hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
6. Quyền sở hữu thông tin, dữ liệu hình thành trong quá trình thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.
7. Cơ quan, đơn vị thuê dịch vụ công nghệ thông tin xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện thuê dịch vụ công nghệ thông tin tập trung trong phạm vi của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đối với các dịch vụ công nghệ thông tin có tính chất, tính năng giống nhau mà nhiều đơn vị trực thuộc cùng có nhu cầu sử dụng.
Như vậy trước khi triển khai thực hiện, mua sắm dịch vụ CNTT, các bạn cần phải đặc biệt lưu ý xác định rõ xem dịch vụ đó là dịch vụ sẵn có hay dịch vụ chưa sẵn có trên thị trường vì điều này rất quan trọng, quyết định đến trình tự, thủ tục, quy trình triển khai thực hiện mua sắm, từ đó quyết định đến việc các bạn làm đúng hay sai quy định của Nhà nước trong triển khai mua sắm dịch vụ CNTT, đặc biệt khi mà dịch vụ CNTT ngày càng không thể thiếu trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Hy vọng với các thông tin tổng hợp nêu trên sẽ giúp ích cho các bạn đang tìm hiểu, quan tâm đến dịch vụ công nghệ thông tin.
Lời khuyên hữu ích khác:
– Nhấn “like” và tham gia “theo dõi” fanpage theo đường link sau trên facebook để được thông báo cập nhật ngay lập tức các bài viết chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/profile.php?id=100090478479853
– Nhấn tham gia nhóm “Đấu thầu mua sắm” trên facebook theo đường link sau để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, trao đổi, thảo luận các vấn đề mong muốn một cách kịp thời nhất: https://www.facebook.com/groups/559578899463767
Tác giả: Dauthaumuasam.vn
Pingback: Mua bảo hành, bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật cho hệ thống thông tin (thiết bị, phần mềm) có sẵn là gói thầu mua sắm hàng hóa hay dịch vụ phi tư vấn ? - Dauthaumuasam.vn