Mua sắm phần mềm thuộc gói thầu mua sắm hàng hóa hay dịch vụ tư vấn ? Để trả lời đầy đủ câu hỏi này, cần phân biệt một số loại hình mua sắm về phần mềm gồm “mua sắm phần mềm” và “thuê phần mềm”, trong “mua sắm phần mềm” lại được chia thành mua sắm phần mềm thương mại (phần mềm đóng gói, có sẵn) và mua sắm phần mềm nội bộ (tức là phần mềm phải thiết kế, lập trình, sản xuất theo nhu cầu, yêu cầu đặc thù riêng của người sử dụng). Mỗi loại sẽ có đặc điểm, tính chất mua sắm khác nhau, do đó quy trình thực hiện, mẫu biểu áp dụng, hành lang pháp lý sẽ rất khác nhau, các bạn cần đặc biệt lưu ý, nắm chắc để thực hiện cho đúng quy định.
Ở phạm vi bài viết này căn cứ vào các quy định hiện hành và tính chất của mỗi hạng mục công việc, Dauthaumuasam.vn sẽ phân tích dẫn chiếu quy định, trả lời, làm rõ cụ thể cho các bạn các câu hỏi sau đây để có thể hiểu được một cách tường tận, đầy đủ căn cứ, quy định.
Trước tiên cần hiểu thế nào là phần mềm thương mại ? thế nào là phần mềm nội bộ ? Để hiểu các khái niệm này, các bạn đọc chi tiết bài viết có liên quan tại đây để nắm rõ và phân biệt.
Tiếp theo sẽ đi vào trả lời câu hỏi đối với từng trường hợp cụ thể gồm “mua sắm phần mềm thương mại”, “mua sắm phần mềm nội bộ” và “thuê phần mềm” thuộc gói thầu mua sắm hàng hóa, tư vấn hay dịch vụ phi tư vấn ?
1. Đối với gói thầu mua sắm phần mềm thương mại:
Tại khoản 1.2, mục 1, phụ lục 01 “Phương pháp lập tổng mức đầu tư”, Thông tư số 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/02/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về “Xác định chi phí thiết bị” trong đó quy định chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin bao gồm cả phần mềm thương mại.
Tại khoản 25, điều 4, Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Hàng hóa gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; thuốc, vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế”.
Như vậy, từ các dẫn chiếu quy định nêu trên, kết hợp với tính chất đặc điểm của phần mềm thương mại là mua về cài đặt sử dụng được luôn, có thể nói rằng gói thầu mua sắm phần mềm thương mại là gói thầu mua sắm hàng hóa.
2. Đối với gói thầu mua sắm phần mềm nội bộ:
Tại khoản 4, điều 3, Nghị định 73/2019/NĐ-CP quy định về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn NSNN có quy định: “Dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường là dịch vụ được thiết lập theo các yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị. Theo đó, cơ quan, đơn vị thuê tổ chức, cá nhân thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan, đơn vị; sau khi hoàn thành hệ thống hoặc hạng mục của hệ thống công nghệ thông tin, tổ chức, cá nhân đó tổ chức quản trị, vận hành để cung cấp dịch vụ cho cơ quan, đơn vị thuê hoặc bàn giao cho cơ quan, đơn vị thuê tự tổ chức quản trị, vận hành trong một thời hạn nhất định”.
Tại điều 3, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP quy định: “Phần mềm nội bộ là phần mềm được xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng theo các yêu cầu riêng của tổ chức hoặc người sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của tổ chức hoặc người sử dụng đó”.
Từ các quy định nêu trên có thể khẳng định gói thầu mua sắm phần mềm nội bộ trước hết là một gói thầu dịch vụ, kết hợp với tính chất đặc điểm của phần mềm nội bộ là phải qua khảo sát, nghiên cứu quy trình, nhu cầu theo đặc thù riêng của người sử dụng, rồi lập trình, kiểm thử, vận hành thử đáp ứng yêu cầu mới ra được sản phẩm để sử dụng (quá trình sử dụng phần lớn kiến thức, kinh nghiệm, tư duy nghiên cứu, chất xám của các chuyên gia để làm ra phần mềm nội bộ, nó khác hoàn toàn phần mềm thương mại có sẵn trên thị trường) và căn cứ quy định tại khoản 8, điều 4, Luật Đấu thầu 2013 quy định về dịch vụ tư vấn thì có thể nói rằng gói thầu mua sắm phần mềm nội bộ là gói thầu dịch vụ tư vấn.
Lưu ý: Riêng việc xác định phần mềm nội bộ hiện còn có những ý kiến, quan điểm khác nhau, người thì cho rằng mua sắm phần mềm nội bộ là gói thầu hàng hóa, người lại cho rằng là gói thầu dịch vụ tư vấn như phân tích ở trên, thậm chí là 2 cơ quan quản lý nhà nước trả lời theo 2 hướng khác nhau. Do đó, nội dung chia sẻ của Dauthaumuasam.vn ở đây là quan điểm nhìn nhận từ khái niệm quy định về dịch vụ CNTT và kết hợp với tính chất, đặc điểm riêng của quá trình xây dựng, phát triển phần mềm nội bộ để đưa ra nhận định và mang tính tham khảo cho các bạn (trong đó có kết hợp tham khảo ý kiến trả lời của Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Cổng thông tin điện tử Chính phủ trả lời công khai về vấn đề này -> tham khảo link để phía cuối bài viết, và trả lời của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI TẠI ĐÂY), việc quyết định áp dụng như thế nào sẽ do các bạn quyết định và chịu trách nhiệm (tuy nhiên cũng lưu ý thêm là nếu đơn vị nào cố tình áp sang hướng hàng hóa thì chúng tôi cho rằng căn cứ quy định sẽ thiếu thuyết phục hơn và đồng thời khi đó nhà thầu tham gia sẽ phải là nhà sản xuất, theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT áp quy định về năng lực sản xuất hàng hóa có tính chất tương tự của nhà thầu sẽ có thể bị vướng ở công thức tính năng lực sản xuất bình quân tháng của năm gần nhất là không phù hợp, không khả thi và lấy tài liệu gì để chứng minh cho năng lực sản xuất hàng hóa (là phần mềm) có tính chất tương tự với gói thầu đang triển khai, đáp ứng về sản lượng bình quân tháng của năm gần nhất (xyz phần mềm/tháng ?) là một vấn đề cần được các bạn nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra quyết định phù hợp nhất khi triển khai !).
Ngoài ra một điểm đáng chú ý nữa là theo tinh thần sửa đổi của Luật Đấu thầu mới 2023 (Luật số 22/2023/QH15) thì tại khoản 17, điều 4 “phần mềm thương mại” đã được bổ sung thêm vào khái niệm “hàng hóa” so với Luật Đấu thầu cũ 2013 (Luật số 43/2013/QH13), tuy nhiên lại không hề có “phần mềm nội bộ” -> như vậy phải chăng tinh thần Luật mới càng khẳng định rõ hơn việc “phần mềm nội bộ” không phải là hàng hóa ?!
3. Đối với gói thầu thuê phần mềm:
Theo quy định tại khoản 20, điều 3, Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì gói thầu thuê phần mềm thuộc gói thầu dịch vụ.
Căn cứ tính chất gói thầu là thuê phần mềm đã có sẵn để sử dụng (không có hàm lượng chuyên gia tư vấn trong đó) và quy định về gói thầu dịch vụ phi tư vấn tại điểm h, khoản 1, điều 2, Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính thì có thể nói rằng gói thầu thuê phần mềm là gói thầu dịch vụ phi tư vấn.
Kết luận chung: Gói thầu mua sắm phần mềm thương mại là gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu mua sắm phần mềm nội bộ là gói thầu dịch vụ tư vấn, gói thầu thuê phần mềm là gói thầu dịch vụ phi tư vấn. Nhấn mạnh lại lần nữa là mỗi loại mua sắm phần mềm như nêu trên sẽ có đặc điểm, tính chất khác nhau, do đó quy trình thực hiện, mẫu biểu áp dụng, cũng như hành lang pháp lý quy định sẽ rất khác nhau, thậm chí loại nguồn vốn sẽ khác nhau, thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm cũng có thể khác nhau, do đó các bạn cần đặc biệt lưu ý, phân biệt, nắm chắc để thực hiện cho đúng quy định vì qua thực tế theo dõi đã thấy rất nhiều bạn/đơn vị áp sai quy định, đừng để tới lúc các cơ quan thanh kiểm tra phát hiện sai phạm khi đó mọi chuyện đã muộn và sẽ không hề đơn giản chút nào… !
Tham khảo thêm các bài viết liên quan khác dưới đây:
– 05 phương pháp xây dựng dự toán đối với phần mềm nội bộ (hay còn gọi là phần mềm may đo).
– Mua sắm phần mềm thuộc gói thầu mua sắm hàng hóa hay dịch vụ tư vấn ?
–https://baochinhphu.vn/goi-thau-mua-phan-mem-la-dich-vu-tu-van-hay-mua-sam-hang-hoa-102230723.htm
Lời khuyên hữu ích khác:
– Nhấn “like” và tham gia “theo dõi” fanpage theo đường link sau trên facebook để được thông báo cập nhật ngay lập tức các bài viết chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/profile.php?id=100090478479853
– Nhấn tham gia nhóm “Đấu thầu mua sắm” trên facebook theo đường link sau để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, trao đổi, thảo luận các vấn đề mong muốn một cách kịp thời nhất: https://www.facebook.com/groups/559578899463767
Dauthaumuasam.vn
Pingback: Quy trình thủ tục mua sắm phần mềm nội bộ sử dụng vốn nhà nước ? - Dauthaumuasam.vn