Luật số 90/2025/QH15 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công

Ngày 25/6/2025 Quốc hội đã thông qua Luật số 90/2025/QH15 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật có hiêu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Về những vấn đề liên quan đến Luật Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến với tinh thần sửa Luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục, quy trình, khắc phục các hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu về hiệu quả cao, đẩy nhanh tiến độ.

Theo báo cáo giải trình tiếp thu Dự án Luật sửa 8 Luật được Chính phủ gửi đến Quốc hội, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, cơ quan thẩm tra, Luật quy định nguyên tắc trao quyền cho chủ đầu tư được ưu tiên áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu có quy trình, thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đặt hàng. Ngoài các hình thức được ưu tiên áp dụng nêu trên, chủ đầu tư được lựa chọn các hình thức khác như đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và các hình thức khác phù hợp với quy mô, tính chất của gói thầu. Đồng thời, mở rộng cơ chế chỉ định thầu và áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói thầu, dự án; bổ sung, hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các gói thầu này, bảo đảm phù hợp với chủ trương chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Luật quy định áp dụng phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu theo các tiêu chí kỹ thuật hoặc kết hợp giữa kỹ thuật và giá đối với các gói thầu trong lĩnh vực công nghệ cao, y tế, công nghệ chiến lược nhằm lựa chọn nhà thầu có điểm kỹ thuật cao nhất, phương pháp kỹ thuật tối ưu, đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu.

Để đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu, dự án, Luật đã bỏ thủ tục thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu đối với hình thức đấu thầu đơn giản, quy mô nhỏ… Phân cấp trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của người có thẩm quyền cho chủ đầu tư; không bắt buộc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu.

Luật tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có năng lực, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và tiến độ thực hiện công trình. Cụ thể, bổ sung cơ chế xử lý trong trường hợp nhà thầu chào giá dự thầu thấp bất thường, đột biến; bổ sung quy định để kiểm soát việc nhà thầu phụ chuyển nhượng phần công việc của mình cho các nhà thầu khác để khắc phục tình trạng “bán thầu” nhiều lần, giảm chất lượng công trình. Cá thể hóa trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chuyên gia và các bên liên quan trong từng bước của quy trình, đồng thời quy định chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm như: cấm tham gia đấu thầu, xử phạt hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng (như thông thầu, gian lận, chuyển nhượng thầu…). Yêu cầu chủ đầu tư phải đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để tạo cơ sở dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm, uy tín nhà thầu…, tăng tính minh bạch, tạo cơ sở giám sát và đánh giá uy tín nhà thầu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu điện tử…

Những nội dung mới tại Luật Đấu thầu nhận được sự đồng thuận cao, trong đó nội dung mở rộng quyền tự chủ của chủ đầu tư trong việc quyết định các hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật được kỳ vọng tạo cơ chế linh hoạt, chủ động, bảo đảm thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Nguồn trích dẫn: Baodauthau.vn

Chi tiết xem và tải file đính kèm phía dưới.

error: Content is protected !!