Khi nào đề nghị bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ? quy trình thực hiện kiến nghị trong đấu thầu diễn ra như thế nào ?

Kiến nghị trong đấu thầu

Khi đấu thầu qua mạng ngày càng trở lên phổ biến và tiến tới lộ trình 100% đấu thầu qua mạng thì vấn đề “kiến nghị trong đấu thầu” cũng tăng dần theo và là quan trọng, cần thiết để vừa bảo vệ tối đa quyền, lợi ích hợp pháp của nhà thầu vừa tăng khả năng, cơ hội trúng thầu của các nhà thầu. Vậy khi nào thì nhà thầu gửi kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền để giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ? Điều kiện để được xem xét giải quyết kiến nghị là gì ? quy trình thực hiện kiến nghị trong đấu thầu diễn ra như thế nào ? hãy cùng theo dõi chi tiết bài viết dưới đây của Dauthaumuasam.vn để nắm rõ nhe:




Trước hết cần hiểu thế nào là “kiến nghị” trong đấu thầu ?

Tại khoản 33, điều 4, Luật Đấu thầu 2013 định nghĩa về “kiến nghị” như sau:

“33. Kiến nghị là việc nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả lựa chọn nhà đầu tư và những vấn đề liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư khi thấy quyền, lợi ích của mình bị ảnh hưởng”.

Khi nào thì nhà thầu cần kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền ?

Tại khoản 1, 2, Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 quy định:

1. Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền:

a) Kiến nghị với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo quy trình giải quyết kiến nghị quy định tại Điều 92 của Luật này;

b) Khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị.

2. Nhà thầu, nhà đầu tư đã khởi kiện ra Tòa án thì không gửi kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị mà nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay.




Như vậy, ngay khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng (trong đó bao gồm cả việc bên mời thầu không phản hồi, trả lời yêu cầu làm rõ HSMT của nhà thầu, hay thấy HSMT đưa ra các tiêu chí không phù hợp với quy định có liên quan hoặc đưa ra tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc tạo lợi thế cho một, một số nhà thầu gây ra cạnh tranh không bình đẳng,…) thì nhà thầu có thể thực hiện kiến nghị hoặc khởi kiện theo quy định nêu trên,…

Một vài ví dụ điển hình có dấu hiệu nêu trên nhà thầu cần xem xét kiến nghị như:

– Yêu cầu nhân sự chủ chốt A phải có chứng chỉ X nhưng theo quy định thì vị trí chuyên môn cho nhân sự A không quy định phải có chứng chỉ X,…

– Hoặc E-HSMT đưa ra yêu cầu cụ thể về giấy phép bán hàng như giấy phép bán hàng của hãng sản xuất hoặc giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của nhà sản xuất vào tiêu chí đánh giá về kỹ thuật mà nếu nhà thầu không nộp đính kèm E-HSDT được giấy phép bán hàng của hãng sản xuất hoặc giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của nhà sản xuất thì không đáp ứng và bị loại -> yêu cầu như thế này là không đúng quy định tại điểm c, khoản 1, điều 27, Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT (Việc nhà thầu không đính kèm một trong các tài liệu này không phải là lý do loại bỏ nhà thầu. Nhà thầu vẫn được tiếp tục xem xét, đánh giá và được xét duyệt trúng thầu. Trường hợp trúng thầu, nhà thầu phải xuất trình một trong các tài liệu này trước khi ký kết hợp đồng),…

Ngoài ra cần lưu ý sự khác biệt cơ bản giữa “làm rõ” và “kiến nghị”: Làm rõ khi thấy hồ sơ mời thầu có điểm chưa rõ, chưa thống nhất; còn kiến nghị khi thấy quyền, lợi ích của nhà thầu bị ảnh hưởng. Để rõ hơn các nội dung quy định liên quan đến làm rõ hồ sơ mời thầu, các bạn có thể đọc bài viết Khi nào nhà thầu yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời thầu ? đăng trên trang Dauthaumuasam.vn.  




Điều kiện để được xem xét giải quyết kiến nghị là gì ?

Tại Điều 118, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về Điều kiện để xem xét, giải quyết kiến nghị như sau:

1. Đơn kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu.

2. Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có).

3. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu.

4. Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án.

5. Chi phí giải quyết kiến nghị theo quy định tại Khoản 8 Điều 9 của Nghị định này được nhà thầu có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn đối với trường hợp kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu do người có thẩm quyền giải quyết.

Quy trình giải quyết kiến nghị trong đấu thầu được thực hiện như thế nào ?

Tại khoản 1, 2, Điều 92, Luật Đấu thầu 2013 quy định về quy trình giải quyết kiến nghị như sau:

“1. Quy trình giải quyết kiến nghị về các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu như sau:

a) Nhà thầu được gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung từ khi xảy ra sự việc đến trước khi có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;

b) Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;

c) Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản giải quyết kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu;

d) Người có thẩm quyền phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi đến nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu.




2. Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu như sau:

a) Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư đối với dự án; bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, mua sắm tập trung trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;

b) Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;

c) Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, thứ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập; cấp địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương thành lập;

d) Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;

đ) Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ văn bản kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Văn bản tạm dừng cuộc thầu phải được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Thời gian tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày chủ đầu tư, bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng đến khi người có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;

e) Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị”.

Ngoài ra tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực từ 15/9/2022 quy định:

Trường hợp kiến nghị lên Chủ đầu tư, nhà thầu gửi kiến nghị trực tiếp trên Hệ thống. Trường hợp kiến nghị lên Người có thẩm quyền, nhà thầu gửi kiến nghị bằng văn bản theo địa chỉ quy định tại E-BDL của E-HSMT.




Người có thẩm quyền ở đây được hiểu là ai ?

Tại khoản 34, điều 4, Luật Đấu thầu 2013 định nghĩa về người có thẩm quyền như sau:  

“34. Người có thẩm quyền là người quyết định phê duyệt dự án hoặc người quyết định mua sắm theo quy định của pháp luật. Trường hợp lựa chọn nhà đầu tư, người có thẩm quyền là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Tham khảo thêm bài viết liên quan khác:

Khi nào nhà thầu yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời thầu ?

Lời khuyên hữu ích khác:

– Nhấn “like” và tham gia “theo dõi” fanpage theo đường link sau trên facebook để được thông báo cập nhật ngay lập tức các bài viết chia sẻ mới nhất: https://www.facebook.com/profile.php?id=100090478479853

– Nhấn tham gia nhóm “Đấu thầu mua sắm” trên facebook theo đường link sau để được tư vấn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc, trao đổi, thảo luận các vấn đề mong muốn một cách kịp thời nhất: https://www.facebook.com/groups/559578899463767

Tác giả: Dauthaumuasam.vn

11 thoughts on “Khi nào đề nghị bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền giải quyết kiến nghị trong đấu thầu ? quy trình thực hiện kiến nghị trong đấu thầu diễn ra như thế nào ?

  1. Pingback: Khi nào nhà thầu yêu cầu bên mời thầu làm rõ hồ sơ mời thầu ? - Dauthaumuasam.vn

  2. Pingback: Hướng dẫn các bước nộp hồ sơ dự thầu qua mạng thành công - Dauthaumuasam.vn

  3. Pingback: Trường hợp nào không phải nộp bảo lãnh dự thầu khi tham dự thầu ? - Dauthaumuasam.vn

  4. Pingback: Các tiêu chí quy định trong HSMT làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, dẫn đến kiến nghị, khiếu nại, hủy thầu - Dauthaumuasam.vn

  5. Pingback: Các lỗi, sai lầm đáng tiếc của Hồ sơ dự thầu khiến nhà thầu bị trượt thầu - Dauthaumuasam.vn

  6. Pingback: Mẫu thuyết minh kế hoạch triển khai, giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp dịch vụ - Dauthaumuasam.vn

  7. Pingback: Mẫu cam kết bảo đảm dự thầu trong trường hợp bảo đảm dự thầu có giá trị dưới 10 triệu đồng theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT - Dauthaumuasam.vn

  8. Pingback: Mẫu thuyết minh kế hoạch triển khai, giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công xây dựng công trình - Dauthaumuasam.vn

  9. Pingback: Hướng dẫn nhà thầu mới, tiếp cận, nắm bắt nhanh các vấn đề có liên quan để có thể tham gia được đấu thầu qua mạng một cách bài bản, chuyên nghiệp - Dauthaumuasam.vn

  10. Pingback: Mẫu thuyết minh kế hoạch triển khai, giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức cung cấp hàng hóa - Dauthaumuasam.vn

  11. Pingback: Nắm rõ quy định của pháp luật về nhân sự chủ chốt khi xây dựng hồ sơ mời thầu để tránh mắc phải sai phạm - Dauthaumuasam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!